Quận Hà Đông tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn quận.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân và tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, UBND quận Hà Đông yêu cầu Phòng Y tế, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao, Ủy ban nhân dân các phường tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn quận, với nội dung chủ yếu:

>Về điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, spa (không cần giấy phép hoạt động):

– Có văn bản Thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ- CP gửi về Sở Y tế Hà Nội trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

– Người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị dịnh 155/2018/NĐ-CP.

– Nếu thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

* Chú ý: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” theo quy định tại khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ- CP.

>Về chế tài xử phạt đối hành vi vi phạm quy định pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ thẩm mỹ :

– Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

– Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 /3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Một số hành vi vi phạm thường gặp như sau:

– Hành vi “Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

– Hành vi “Quảng cáo dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định” bị phạt tiền phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

– Hành vi “Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” bị phạt tiền phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *